Ngày nay, thế giới đã bước qua thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 và đang chứng kiến, thậm chí đang bị cuốn vào dòng thác của sự biến đổi vô cùng lớn lao của xã hội loài người với đặc trưng là: toàn cầu hoá, công nghệ thông tin, xã hội học tập. Có thể nói, toàn cầu hoá, sự đổi mới công nghệ và nhu cầu học tập suốt đời đã và đang thôi thúc và giúp chúng ta tổ chức lại một cách cơ bản đời sống xã hội, đưa loài người đến với nền kinh tế tri thức, bước vào nền văn minh trí tuệ.
Nhận thức rõ bối cảnh và xu thế phát triển của thời đại hiện nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta đã xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 – 2010) là : “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao ...”.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự hội nhập quốc tế đang là xu thế của thời đại và trong bối cảnh đổi mới, mở cửa hướng ra thế giới, làm bạn với các nước trên thế giới, chúng ta đã nhận thấy những bất cập của việc dạy và học ngoại ngữ trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và trước nhu cầu hội nhập, mở rộng giao lưu vượt ra khỏi phạm vi quốc gia của đông đảo nhân dân. Tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ, những khó khăn trong việc trao đổi nguồn nhân lực trong phạm vi hợp tác song phương hoặc đa phương… đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc thực trạng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong những năm qua, từ đó nghiên cứu kĩ lưỡng, hoạch định một chiến lược dạy và học ngoại ngữ vừa khả thi, vừa đáp ứng được những yêu cầu phát triển đất nước trong tương lai .
0 nhận xét :
Đăng nhận xét